Năm 2019, đề xuất cho quy định và chính sách pháp luật mới, một số ý kiến trong Quốc Hội đưa ra như sau, nếu người phạm tội nộp lại ít nhất 3/4 tài sản có được do nhận hối lộ, tham ô, thì có thể thoát án tử. Đây là cách làm luật của quan chức đang nhúng chàm, nhưng chưa bị lộ. Đề xuất này vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận xã hội.
Bởi có người ăn rất đậm, họ ăn đến ngàn tỷ. Nếu nộp ba phần tư số tiền để thoát án tử, thì họ vẫn còn một phần tư để chạy án. Với hàng trăm tỷ trong tay, họ sẽ giúp gia đình sống sung túc và chạy án để sớm về đoàn tụ với gia đình. Vì vấp phải phản ứng của xã hội, nên dự luật này đã không thành luật.
Dự luật đấy là loại tham nhũng chính sách. Ở đây, những người tham ô mà chưa bị lộ, đang làm luật để giúp họ thoát án nặng, nếu rủi ro bị phanh phui. Cách làm luật này được một số người ví von rằng, quan chức cứ ăn, bởi ăn không được thì nhả, họ vẫn được giảm tội.
Những ngày gần đây, báo chí đánh mạnh vào sai phạm của Mường Thanh. Ngoài ra, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã hoàn thành bản cáo trạng truy tố ông Lê Thanh Thản. Tuy nhiên, chưa một cơ quan nào ban lệnh bắt ông Thản, vì họ “sợ bùa”. Nhưng với việc báo chí đánh mạnh vào ông Thản, thì rất khó để ông Thản đứng vững. Bởi dù cho ông Tổng Bí thư không muốn hạ, nhưng với áp lực dư luận quá lớn từ báo chí, không thể nói trước được điều gì.
Im lặng một thời gian rồi ông Lê Thanh Thản cũng phải lên tiếng. Và cách mà ông Lê Thanh Thản làm, là đề nghị trả lại tiền cho người mua nhà, tự phá dỡ công trình CT6C Kiến Hưng. Tức là, ông nuốt không trôi thì trả lại, cách làm y hệt như những quan chức chính quyền muốn làm luật trả ba phần tư số tiền để giảm tội.
Ăn không được thì nhả ra, hay thấy không thoát thì trả lại, là cách làm được cho là trẻ con. Bởi nếu lấy không được rồi trả lại là xong, thì xã hội này loạn mất. Đã sai thì anh phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, cho dù anh có trả lại tài sản đi chăng nữa. Luật pháp trừng trị là trừng trị hành động phạm tội. Dù cho anh có trả lại tài sản, thì hành động phạm tội của anh đã thực hiện. Không thể chạy tội được.
Tại cơ quan điều tra, ông Lê Thanh Thản khai nhận, do nóng vội trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh, nên chưa kịp hoàn thiện các thủ tục hành chính trình các cấp có thẩm quyền, để điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 của dự án.
Ông Lê Thanh Thản sai rõ ràng, nhưng Công an Hà Nội vẫn không thể bắt ông tạm giam để điều tra. Không biết kỷ cương phép nước ở đâu? Một cơ quan thực thi luật pháp của một thành phố lớn, mà lại ngán ngại một ông doanh nghiệp, thật khó để nhà nước này có pháp quyền.
Thành phố Hà Nội có quá nhiều nhà cao tầng xây vượt tầng, sai quy hoạch, trong nhiều năm liền. Người chịu trách nhiệm cho những sai phạm này là ông Nguyễn Thế Thảo, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Tiếp theo là những doanh nghiệp đã thực hiện dự án sai quy hoạch. Nếu moi ông Lê Thanh Thản, thì ắt Hà Nội cũng cần moi ra những doanh nghiệp khác, đang có những vi phạm tương tự. Vậy thì lại động đến “ổ kiến lửa”.
Theo như chúng tôi được biết, khi một doanh nghiệp bị pháp luật sờ gáy, thì sẽ có những sự dàn xếp dưới gầm bàn, giữa bên truy tố và bên bị truy tố. Khi nào sự dàn xếp thất bại thì mới xảy ra bắt bớ. Ông Lê Thanh Thản đang dùng kế hoãn binh. Ông nói những lời nói buồn cười, ngây ngô để đối phó, để kéo dài thời gian đàm phán. Nếu đàm phán thành công thì ông Lê Thanh Thản sẽ kê cao gối ngủ và vụ án chỉ xử chiếu lệ. Hãy chờ xem, trò chơi này sẽ đi về đâu khi mà ông Lê Thanh Thản đang thể hiện là người siêu hạng trong vấn đề “đàm phán”?
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://thanhnien.vn/cu-nop-34-tai-san-tham-o-nhan-hoi-lo-la-thoat-an-tu-hinh-185880945.htm