Ở Việt Nam, sân chơi ở lĩnh vực doanh nghiệp hay sân chơi ngành ngân hàng cũng vậy, không có cạnh tranh công bằng. Với những doanh nghiệp nhà nước, họ có được sự bao bọc che chở của nhà nước. Chính vì thế, khi những doanh nghiệp này sắp ngã, họ sẽ được nâng đỡ. Nếu một doanh nghiệp nào đó mà lỗ lên đến 95 ngàn tỷ đồng, thì đã phá sản từ lâu. Tuy nhiên, với Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam EVN, thì chỉ cần xin một quyết định của Thủ tướng, nâng giá điện để Tập đoàn này móc túi dân bù lỗ, là mọi chuyện được giải quyết.
Hay như Vietnam Airlines cũng vậy, nợ khủng nhưng được nhà nước bung hàng ngàn tỷ giải cứu. Tiếp viên vận chuyển ma túy, phi công thì nghiện ngập, vậy mà chẳng ai hề hấn gì. Vi diệu hơn, lãnh đạo Vietnam Airlines, nơi thực hiện hàng ngàn chuyến bay giải cứu, lại không bị truy tố. Từ đó mới thấy, mức độ nuông chiều của chính quyền Cộng sản đối với những đứa con cưng của nó như thế nào.
Ở lĩnh vực ngân hàng cũng thế, những ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, vì được tiếp sức bằng nguồn vốn nhà nước, được sự đỡ đầu của Chính phủ, nên nó lớn mạnh. 4 ông lớn trong các ngân hàng thương mại hiện nay đều là doanh nghiệp quốc doanh. Đó là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 – 2023 cho 4 ông lớn ngành ngân hàng này. Trong tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, hàng loạt nợ xấu ngân hàng vì thế cũng tăng lên. Lúc này là các ngân hàng tư nhân gục ngã, đã có 4 ngân hàng tư nhân bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện “theo dõi đặc biệt”, đó là CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank.
Mới đây, tờ báo Lao Động cho biết, Vietcombank, một trong 4 ông lớn ngành ngân hàng Việt Nam, gần như chắc chắn sẽ nhận chuyển giao một ngân hàng. Không khó đoán là Vietcombank sẽ nuốt một trong 4 tên tuổi đang bị “theo dõi đặc biệt”. Như vậy là cá lớn nuốt cá bé. Việc cá lớn nuốt cá bé trong ngành ngân hàng là bình thường, tuy nhiên, ở nước ngoài khác Việt Nam khác.
Ở nước ngoài, thường là ngân hàng tư nhân nuốt ngân hàng tư nhân. Ngân hàng tư nhân mạnh là bởi họ kinh doanh tốt hơn đối thủ, vậy họ nuốt cá bé thì càng tốt, bởi thị trường tài chính đã loại đi một con cá bệnh hoạn.
Còn ở Việt Nam lại khác, ngân hàng quốc doanh họ mạnh lên không phải do họ kinh doanh tốt hơn, mà do họ được ưu ái hơn. Họ được rót vốn khi gặp vấn đề, nên họ lớn mạnh và nuốt các ngân hàng tư nhân. Sự nuốt nhau ở thị trường tài chính Việt Nam là cá Đảng nuốt cá dân, là sản phẩm của sự bất bình đẳng. Không chỉ câu chuyện Vietcombank nuốt một ông nhỏ bị theo dõi đặc biệt, mà có thể cả 4 ông lớn quốc doanh nuốt 4 cá nhỏ tư nhân bị chỉ mặt là yếu kém.
Hiện nay, những ngân hàng quốc doanh hầu hết là ngân hàng cổ phần. Đây vốn là những ngân hàng nhà nước, sau đó được cổ phần hóa, tuy nhiên, nhà nước vẫn nắm giữ phần lớn cổ phần. Đồng thời, không phải ai cũng có thể làm cổ đông của những ngân hàng này, mà là có sự chọn lọc. Bởi những ngân hàng này được hưởng những ưu đãi đặc biệt, nên chỉ có các sân sau của các sếp lớn mới chen chân vào được.
Với tính chất phi thị trường, nền kinh tế Việt Nam không tạo được thế đứng trên thị trường thế giới. Doanh nghiệp quốc doanh phần lớn là ăn hại, không đủ khả năng bơi ra biển lớn. Chỉ có riêng Viettel thì có bơi ra biển, nhưng chủ yếu cũng chỉ đầu tư ở những thị trường lạc hậu. Những nơi mà các doanh nghiệp có máu mặt trên thế giới chê không thèm đến. Còn tại những thị trường phát triển, thì các doanh nghiệp quốc doanh Việt Nam cạnh tranh với người ta không nổi.
Với ngành ngân hàng cũng vậy, các ông lớn cũng chỉ là so với trong nước, chứ không đủ khả năng mở rộng ra nước ngoài. Họ vẫn bơi trong ao làng quốc nội là chính.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://tienphong.vn/sap-tang-von-khung-cho-4-ngan-hang-lon-nhat-viet-nam-post1531624.tpo