Cử nhân Xã Hội Chủ Nghĩa và culi “tư bản bóc lột”, bên nào có giá, bên nào “như bèo”?

“Học để đổi đời” là châm ngôn đã có từ thời xa xưa. Tuy nhiên, dưới thời Cộng sản, mà đặc biệt là khoảng thời gian gần, đây câu nói này không còn chính xác nữa. Ngày nay, muốn đổi đời thì phải đi xuất khẩu lao động. Còn học hành để tốt nghiệp đại học, thì ra trường, nghèo vẫn hoàn nghèo mà thôi. Trừ một tỷ lệ nhỏ những người giỏi thực sự, hoặc những người may mắn, họ có một tương lai đảm bảo, còn lại thì đa phần vẫn sống cuộc sống bấp bênh sau khi tốt nghiệp.

Những năm gần đây, sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường, chọn làm xe ôm công nghệ khá đông. Tuy nhiên, với một xã hội bất an như Việt Nam, thì không ít những tài xế xe ôm công nghệ trở thành nạn nhân của bọn bất lương. Do đó, cũng rất rủi ro khi chọn ngành xe ôm công nghệ. Hơn nữa, nhu cầu xã hội thì có hạn, mà lượng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm một nhiều, công việc càng ngày càng khó.

Culi “tư bản bóc lột” hay cử nhân XHCN có giá thì đã rõ

Thời gian gần đây, báo chí phản ánh, nhiều học sinh ở Nghệ An – Hà Tĩnh chọn con đường xuất khẩu lao động với hy vọng đổi đời, trong đó có cả những em học sinh giỏi. Ngay cả giáo viên cũng bỏ dạy, chọn con đường xuất khẩu lao động, sang xứ người làm culi, mới hy vọng đổi đời.

Vì sao lại có chuyện tệ hại đến như vậy? Mỗi người phải bỏ ra đến 16 – 17 năm học ròng rã, để có được tri thức, nhưng lại không bằng những nghề lao động chân tay ở xứ người? Câu trả lời là chất lượng của nền giáo dục xứ này.

Nền giáo dục này không cung cấp cho con người ta lượng tri thức đúng nghĩa. Kết quả đào tạo, kỹ năng mềm thì không có, còn kỹ năng cứng thì yếu, vậy thì, học để làm gì? Thà đi xuất khẩu lao động còn thực tế hơn, vì xuất khẩu lao động, tuy chỉ làm việc tay chân, nhưng có mức thu nhập xứng đáng với công sức bỏ ra. Với mức thu nhập đó, người lao động mới có cơ hội đổi đời. Ngoài ra, làm culi xứ người còn học được thái độ làm việc nghiêm túc, và các ứng xử văn minh của xứ người.

Con số thống kê mới đây của chính quyền TP HCM cho thấy, có đến 36% người thất nghiệp ở thành phố này có trình độ đại học trở lên. Cụ thể, trong số hơn 82.500 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong 6 tháng đầu năm ở TP HCM, có trên 27.800 người có trình độ từ đại học trở lên, chiếm 36%. Đầu tư tốn kém cả về thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng học xong lại thất nghiệp, vậy học đại học để làm gì?

Theo thông báo của Bộ Giáo dục, thì có gần 292.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học, chiếm hơn 30% trong số khoảng 951.900 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng nghĩa từ bỏ cơ hội vào đại học.

Không biết, việc vào đại học ở Việt Nam là cơ hội, hay là chỉ phí thời gian vô ích. Thực tế cho thấy, nhân lực được đào tạo ra có chất lượng quá kém, còn xa mới với tới được cơ hội có nghề nghiệp ổn định. Sinh viên tốt nghiệp ra trường, nếu may mắn có được việc làm, thì lại nhận đồng lương không đủ sống. Trong khi đó, nếu đi xuất khẩu lao động sang Hàn – Nhật – Đài, thì dù vất vả, nhưng có thu nhập đáng mơ ước đối với rất nhiều cử nhân ở Việt Nam.

Xã hội Chủ nghĩa là gì? Nếu nghe Cộng sản ca tụng, thì nó như thiên đường. Nhưng nếu đem cái xã hội mà Việt Nam đang có, so sánh với xã hội của các nước tư bản, thì “thiên đường Xã hội Chủ nghĩa” ấy chẳng khác nào địa ngục. Tại đây, con người không tin nhau, chỉ chực lừa lọc nhau mà sống. Người dân phải tốn quá nhiều trí tuệ, công sức, thời gian và tiền bạc, để đầu tư vào việc đề phòng lẫn nhau. Đó là những thứ được sinh ra từ cái gọi là Xã hội Chủ nghĩa.

Bỏ đại học làm culi xứ tư bản, có khi lại là lựa chọn sáng suốt

Học để có được một tấm bằng cử nhân, người Việt phải tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức, không chỉ của bản thân người học, mà là của cả gia đình. Nhưng những thứ mà người ta học được, đa phần là vứt đi. Kết quả là, cử nhân nhiều như kiến mà giá trị thì quá bèo. Đảng Cộng sản đã tạo ra các cử nhân theo cách như thế, thì bị thị trường lao động ngay tại Việt Nam thải loại, là chuyện không có gì lạ. Còn thị trường lao động nước ngoài thì chẳng ai thừa nhận giá trị của tấm bằng ở Việt Nam. Đảng Cộng sản, bản thân đã không có giá trị, thì có thể tạo ra được giá trị gì cho xã hội?

Thu Phương(Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://vnexpress.net/36-nguoi-that-nghiep-o-tp-hcm-trinh-do-dai-hoc-tro-len-4635719.html

https://vnexpress.net/gan-292-000-thi-sinh-bo-xet-tuyen-dai-hoc-4634984.html

https://vietnamnet.vn/hoc-sinh-gioi-tu-bo-giac-mo-dai-hoc-re-huong-di-xuat-khau-lao-dong-2154659.html