Nếu thả một con ếch vào nồi nước đang sôi, con ếch sẽ giãy giụa và nhảy ra khỏi nồi nước ngay lập tức. Nhưng nếu thả con ếch đó vào một nồi nước mát, sau đó đặt trên bếp và đun từ từ, thì con ếch sẽ không cảm nhận được nguy hiểm, cho đến khi nó bị luộc chín. Hội chứng luộc ếch được sử dụng một cách ẩn dụ, miêu tả việc con người không có khả năng nhận thức được mối đe dọa khi nó diễn ra từ từ, thay vì đột ngột.
Hiện nay, Bộ Công thương đang dùng thủ đoạn “luộc ếch” để trấn lột người dân, trong mức thu tiền điện. Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 5/8, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, nói rằng “Điều chỉnh giá điện ba tháng một lần để tránh giật cục”.
Từ “giật cục” của ông Đỗ Thắng Hải nghĩa là, không tăng giá điện một lần, vì có thể gây ra phản ứng dữ dội trong dân chúng, mà chia ra nhiều đợt, mỗi đợt chỉ tăng một ít. Có như thế thì dân mới không kêu ca.
Còn nhớ, tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam 2017, tổ chức tại Hà Nội sáng 22/6/2017, ông Vũ Đình Ánh đã có câu phát biểu câu làm dậy sóng mạng xã hội một thời. Ông Ánh nói rằng, “Thu thuế cũng như “vặt lông vịt”, đừng để vịt kêu toáng lên”.
Có lẽ, ý của ông Vũ Đình Ánh cách đây 6 năm và ý của ông Đỗ Thắng Hải hiện nay, đều như nhau. Đấy là làm sao áp dụng hiệu ứng luộc ếch, thay đổi từ từ, để nạn nhân bị trấn lột mà không kêu la. Có như thế mới hốt được tiền.
EVN đang có những vấn đề lớn, là ung nhọt của chế độ. Họ được nhà nước Cộng sản ưu đãi cơ chế vừa độc quyền mua điện, vừa độc quyền bán điện. Bên bán điện mà đòi hỏi, EVN sẽ không mua, để buộc họ phải hạ giá bán. Còn bên mua điện mà đòi hỏi, EVN sẽ cúp điện cho chừa. Thái độ này của EVN đã khiến cho nền kinh tế thiệt hại không ít. Họ thích tăng giá điện thì tăng, nhưng chất lượng dịch vụ thì lại không tăng. Điện vẫn bị cúp một cách tùy tiện. Chưa có quốc gia nào mà cúp điện tùy tiện như Việt Nam.
Theo báo cáo, lỗ lũy kế của EVN hiện nay lên đến con số 100.000 tỷ đồng, và tất nhiên, cách bù lỗ của EVN là tăng giá điện. Đối với thị trường tự do, nếu tăng giá bán thì sẽ mất khách hàng, cho nên, trong nền kinh tế cạnh tranh, tăng giá không phải chuyện dễ, phải có lý do chính đáng và phải được khách hàng chấp nhận. Còn với EVN, thì dù tăng giá bán, thị phần của nó vẫn đảm bảo, bởi khách hàng không có sự lựa chọn khác. Việc tăng giá điện là chắc chắn, nhưng tăng bằng cách nào để cho “ếch” không giãy giụa, là kế mà Bộ Công thương áp dụng.
Nguyên nhân việc thua lỗ của EVN không phải vì hoạt động kinh doanh, mà là đã được tính toán từ trước. Có lỗ mới có cớ để tăng giá điện. Bởi vì, EVN thì kêu gào thua lỗ, nhưng các công ty con của nó thì lại có tiền dư gửi vào ngân hàng. Vậy thì, rõ ràng EVN đang giấu tiền, đem gửi ngân hàng, rồi hô toáng lên để đòi tăng giá điện. Tất cả đều là chiêu dùng để móc túi dân.
Hiện EVN đang là một ổ sai phạm. Ông Dương Quang Thành, Cựu Chủ tịch Tập đoàn, mới vừa xin nghỉ hưu trước tuổi kể từ ngày 1/5 vừa qua. Đáng nói là, ông Dương Quang Thành nghỉ hưu sớm 4 năm so với tuổi nghỉ hưu theo chế độ. Điều này làm cho một số nhà phân tích nghi ngờ rằng, ông Dương Quang Thành tháo chạy trước khi bão ập đến.
Vấn đề của chế độ này là, phải loại bỏ những doanh nghiệp độc quyền kiểu EVN. Phải mở cửa tự do cho các nhà đầu tư khác cùng tham gia vào thị trường cung cấp điện. Việc cho EVN độc quyền mua bán điện được lý giải là vì “an ninh năng lượng”. Tuy nhiên, trên thực tế, độc quyền bán điện đã dẫn tới mất an ninh năng lượng, chứ không đảm bảo được, khi mà, EVN liên tục ép cả bên bán điện lẫn bên mua điện, buộc họ chấp nhận luật chơi của nó. Bên mua điện nếu phản ứng thì sẽ bị cắt điện. Thế thì, làm sao đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế?
Thu Phương – (Tổng hợp)
Link tham khảo: