Link Video: https://youtu.be/alWgwjquI-U
Ngày 3/10, RFA Tiếng Việt có bài phỏng vấn Tiến sĩ Brian Eyler, một chuyên gia về Tiểu vùng sông Mekong. Bài phỏng vấn có tựa đề “Kênh đào Funan ở Campuchia: Chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài Đồng bằng sông Cửu Long?”
RFA cho biết, ngày 8/8, Campuchia đã gửi thông báo tới Ủy hội Sông Mekong về dự án kênh đào từ sông Bassac tới khu vực cảng biển ở tỉnh Kampot-Kep, bên bờ Vịnh Thái Lan. Chính phủ Campuchia đặt tên kênh đào này là “Funan Techo Canal” (tạm dịch: “Kênh đào Đế chế Phù Nam”).
Tiến sĩ Brian Eyler cho biết, Dự án kênh đào này sẽ bắt đầu tại Prek Takeo, cách Phnom Penh khoảng 30 km về phía hạ lưu trên sông Mekong. Sau đó nó giao với sông Bassac cách Phnom Penh khoảng 60 km về phía hạ lưu. Từ đó nó băng qua vùng đồng bằng ngập nước rộng lớn ở tỉnh Takeo và cuối cùng gặp biển ở tỉnh Kep.
Kênh đào này sẽ đóng một vai trò quan trọng có tính chiến lược đối với Campuchia. Vì nó sẽ cho phép vận tải và hàng hóa di chuyển từ đại dương đến Phnom Penh và các điểm ở giữa, đồng thời giúp Campuchia tránh tuyến đường thủy đi qua Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Dự án sẽ được xây dựng bởi một công ty Trung Quốc, và có thể là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Các dự án BRI của Trung Quốc ở Campuchia không có danh tiếng tốt và bị tai tiếng là thiếu minh bạch, thiếu sự tham gia của các bên liên quan ở địa phương, yếu kém trong việc lập kế hoạch tái định cư và có hồ sơ xấu về tác động môi trường.
Tiến sĩ Brian Eyler cho rằng, dự án này có thể sẽ mang lại những tác động đáng kể về môi trường và xã hội cho Campuchia và Việt Nam, thậm chí có thể tác động đến nghề cá ở Lào.
Từ trước đến nay đã có rất nhiều yếu tố tác động rồi, như việc xây đập ở thượng nguồn, khai thác cát, lượng mưa mùa mưa ít dữ dội hơn và các yếu tố khác đang làm giảm khả năng mở rộng lượng nước theo mùa của Hồ Tonle Sap.
Dự án kênh đào nhân tạo này có thể là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài, và do đó, cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ ảnh hưởng của nó.
Tiến sĩ Brian Eyler cho biết, hồ Tonle Sap là nơi giao phối của các loài cá di cư, vì vậy, dự án kênh đào mới chắc chắn sẽ làm giảm lượng đánh bắt cá xuyên biên giới.
Kênh Funan sẽ làm giảm lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời sẽ làm suy yếu khả năng và cơ hội của Việt Nam trong việc xây dựng một Đồng bằng sông Cửu Long bền vững trước biến đổi khí hậu.
Dự án này có thể làm giảm nghề cá ở Campuchia, Việt Nam và Lào. Nó có tác động đáng kể đến nguồn cung thực phẩm của người Campuchia.
Các quan chức ở đó biết rằng, nhu cầu hiện hữu của quốc gia là phải bảo tồn nghề cá sông Mekong. Dự án này mâu thuẫn với nhiều nỗ lực tốt đẹp và hiện tại của Campuchia nhằm bảo vệ nghề cá của chính mình.
Ngoài ra, con kênh sẽ chia đôi và cắt đứt một vùng đồng bằng ngập nước rộng lớn ở tỉnh Takeo, nơi sản xuất một số loại gạo ngon nhất thế giới. Khi đó, phần đồng bằng phía nam của dòng kênh sẽ bị khô, trong khi phần phía bắc sẽ bị ngập nhiều hơn so với bình thường.
Chính vì dự án này sẽ có những tác động xuyên biên giới mà Chính phủ Campuchia phải thông báo dự án kênh đào Funan tới Ủy ban sông Mekong.
Tiến sĩ Brian Eyler nhận định, có rất nhiều điều chưa biết về tác động đối với môi trường và xã hội của dự án này, và dự án có thể gây ra nhiều bất lợi dài hạn hơn là lợi ích.
Việt Nam, có lẽ nên đàm phán nghiêm túc với Chính phủ Campuchia, về các giải pháp thay thế và nỗ lực giảm nhẹ rủi ro đối với dự án kênh Funan. Điều đó có thể được thực hiện song phương hoặc thông qua Ủy ban sông Mekong.
Minh Vũ
>>> Hội nghị Trung ương 8 quyết định nhân sự cho tương lai
>>> Việt Nam cho điều tra tháp điện gió có nguồn gốc từ Trung Quốc
>>> Sáng kiến kinh tế mới giữa lòng thành phố ngập sâu
>>> Độ trung thực và tính khả thi trong lời kêu gọi của Chủ tịch nước đến đâu?
Chuyên gia Liên Hiệp Quốc lên án vụ thi hành án đối với Lê Văn Mạnh