Việt Nam cần đoạn tuyệt mô hình kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa

Link Video: https://youtu.be/H-A3epKc9ew

VOA Tiếng Việt ngày 1/10 có bài bình luận “Việt Nam sẵn sàng từ bỏ mô hình kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa?”

VOA đề cập đến việc, Việt Nam nhiều lần yêu cầu Mỹ công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Theo đó, VOA cho hay, Việt Nam đến nay chỉ mới được 71 quốc gia công nhận có nền kinh tế thị trường. Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam là một trong 13 nước có nền kinh tế phi thị trường, bao gồm cả Trung Quốc, Nga.

VOA phân tích, trong gần bốn thập niên sau đổi mới, Việt Nam tiếp tục cải thiện tự do kinh tế, thành công thăng hạng theo xếp hạng mới nhất dựa trên Chỉ số Tự do Kinh tế của Heritage Foundation vào năm 2023. Nay, nền kinh tế của Việt Nam đứng thứ 72 trong số 176 quốc gia, với điểm tự do kinh tế là 61.8.

VOA cho rằng, điều quan trọng nhất là sự thay đổi thứ hạng theo thời gian. Vào năm 1995, khi lần đầu tiên được xếp hạng, Việt Nam chỉ đạt được 41.7 điểm ít ỏi. Trong những năm qua, Việt Nam đã tiến thêm được 20 điểm. Trong khi đó, chỉ số Tự do Kinh tế của Trung Quốc thụt lùi từ 52 điểm vào năm 1995, xuống còn 48.3 điểm vào năm 2023. Trung Quốc hiện đứng thứ 154/176, kém Việt Nam tới 82 bậc.

VOA nhận xét, nền kinh tế Việt Nam ngày càng theo định hướng thị trường, để hội nhập dần vào hệ thống thương mại toàn cầu. Các cải tổ bao gồm tư nhân hóa một phần của doanh nghiệp nhà nước, tự do hóa cơ chế thương mại, và tăng cường công nhận quyền sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, những hạn chế về mặt thể chế vẫn tiếp tục cản trở sự phát triển kinh tế bền vững lâu dài.

Theo Heritage Foundation, nhìn chung nền pháp quyền ở Việt Nam còn yếu, khung pháp lý tỏ ra không hiệu quả. Các điểm về hiệu quả tư pháp, quyền tư hữu và liêm chính của Chính phủ thấp hơn trung bình thế giới.

Hình: Bài trên VOA

Đồng tiền Việt Nam không có khả năng chuyển đổi hoàn toàn và bị hạn chế đáng kể trong việc sử dụng, chuyển nhượng và hối suất. Đầu tư trực tiếp nước ngoài được khuyến khích, nhưng Chính phủ vẫn tìm cách chỉ đạo và kiểm soát qua các quy định. Ủy ban định giá của Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì quyền kiểm soát tùy ý, đối với giá cả trong một số lĩnh vực nhất định.

Thị trường lao động cứng nhắc và bị kiểm soát. Sự ổn định tiền tệ được duy trì tương đối tốt, nhưng áp lực lạm phát vẫn tiếp tục. Việc tư hữu hóa những công ty quốc doanh chậm chạp và thiếu quy mô.

Đặc biệt, VOA cho rằng, Việt Nam chưa cho phép công nhân thành lập công đoàn độc lập. Công nhân không được tự do đình công. Quyền lợi của công nhân không được bảo đảm.

Theo VOA, Hoa Kỳ vào đầu năm 2023, đã kêu gọi Việt Nam tăng cường quyền của công nhân, bằng cách cho lập nghiệp đoàn độc lập. Đồng thời cảnh báo Việt Nam, về việc sử dụng nguyên liệu của Trung Quốc, được sản xuất bởi lao động ép buộc. Việt Nam là nước xuất cảng quần áo qua Mỹ và dùng nguyên liệu của Trung Quốc.

VOA cho rằng, Việt Nam sẽ tránh được những bất lợi khi phải đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Hoa Kỳ và Việt Nam vừa nâng cấp bang giao lên mức chiến lược toàn diện. Đây là lúc thuận tiện để mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai nước qua trao đổi thương mại. Cả hai bên cần phải điều chỉnh để giúp Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường đầy đủ, tránh được những hàng rào ngăn cản tự do thương mại.

Chỉ số tự do kinh tế tối thiểu mà Việt Nam cần phải có là 65 điểm. Việt Nam có khoảng từ 6 đến 18 tháng để tiến thêm 3 điểm nữa, hầu đạt được mục tiêu này. Việt Nam cần phải dứt khoát đoạn tuyệt với mô hình kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa.

Hoàng Anh

>>> Các dự án dầu khí kéo dài khiến nhà đầu tư muốn rút vốn

>>> Xuất khẩu lao động gia tăng từ đầu năm đến nay

>>> Ai tin ông Võ Văn Thưởng?

>>> Bồi thường cho người bị bắt oan 43 năm trước tại Bình Thuận

Cướp tiệm vàng… nở rộ