Việt Nam còn xa mới là một nền kinh tế thị trường

Việt Nam có phải là nền kinh tế thị trường?

Ngày 12/3, BBC Tiếng Việt đặt câu hỏi “Việt Nam có phải là nền kinh tế thị trường không?”

BBC cho biết, hiện Bộ Thương mại Mỹ đang đánh giá lại trạng thái kinh tế phi thị trường của Việt Nam, theo đơn đệ trình của Chính phủ Việt Nam ngày 8/9/2023, yêu cầu Mỹ xem xét về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, viện dẫn những cải cách kinh tế trong các năm gần đây.

Theo BBC, quy trình xem xét từ phía Washington sẽ kéo dài 270 ngày. Như vậy, thời gian phía Mỹ đưa ra quyết định cuối cùng sẽ là vào khoảng giữa tháng 7 tới.

BBC dẫn đánh giá của Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học, Đại học Oregon, rằng, quan hệ giữa kinh tế và chính trị ở Việt Nam là chủ nghĩa tư bản do nhà nước kiểm soát hoặc quản lý và chủ nghĩa Lenin, kết hợp với kinh tế thị trường.

Giáo sư Vũ Tường nhận xét, “sự trường tồn của thể chế Cộng sản vẫn là ưu tiên tối thượng của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Ông cho rằng, chủ nghĩa tư bản đỏ thân hữu đã hưởng lợi, khi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đều có những mối quan hệ với giai cấp Cộng sản cầm quyền.

Cụ thể, với mối quan hệ đặc biệt, đa số những doanh nghiệp này, tuy không phải là tất cả, đã nắm được tin mật, giàu có nhờ buôn bán tài nguyên, hưởng chênh lệch. Sự giàu có không xuất phát từ phát minh sáng chế như cách mà gia tộc hay tập đoàn ở Hàn Quốc và Nhật Bản thực hiện.

Theo ông, nhà nước Việt Nam vẫn đang kiểm soát chặt nền kinh tế, nắm nguồn tài nguyên quốc gia và tư liệu sản xuất. Mức độ can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế lớn hơn nhiều, nếu so với Hàn Quốc và Đài Loan, là những nơi theo thể chế dân chủ.

BBC cho hay, doanh nghiệp nhà nước đóng một vai trò thiết yếu trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam, khi chiếm tới hơn 30% GDP của Việt Nam. Kinh tế tư nhân vẫn nằm trong thế yếu.

Cũng theo Giáo sư Vũ Tường, điểm yếu trong nền kinh tế nhà nước ở Việt Nam, là đội ngũ lãnh đạo, với đa số là đảng viên Cộng sản, đi học tập hoặc làm việc từ Đông Âu về, ít người đến từ giới kỹ trị nếu so sánh với Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, những nền kinh tế đã “hóa rồng” thành công.

Vẫn theo BBC, hiện Việt Nam được 72 nước công nhận là nền kinh tế thị trường, trong đó có Trung Quốc, Nga, và các nước trong khối ASEAN.

Các đối tác quan trọng như Mỹ và châu Âu chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

 

BBC dẫn ý kiến của Tiến sĩ Công Phạm, Giảng viên cấp cao tại Đại học Deakin (Úc), chia sẻ rằng, các yếu tố quan trọng để xác định một nền kinh tế có đủ tư cách nền kinh tế thị trường hay không, theo quan điểm của Mỹ và phương Tây, gồm:

  • Khả năng chuyển đổi đồng tiền. Liên quan với khái niệm này là khái niệm thao túng tiền tệ.
  • Lương lao động là kết quả của tự do thương thảo giữa người lao động và người sử dụng lao động.
  • Liên doanh và các hình thức đầu tư nước ngoài khác được phép.
  • Chính phủ sở hữu hay kiểm soát công cụ sản xuất như thế nào.
  • Chính phủ kiểm soát việc phân phối tài nguyên, giá cả và sản xuất như thế nào.

Tiến sĩ Công Phạm cho biết, Hoa Kỳ chưa dành cho Việt Nam tư cách là nền kinh tế tự do vì 3 lý do. Thứ nhất, có nhiều công ty do nhà nước sở hữu. Thứ hai, luật về lao động của Việt Nam còn nhiều thiếu sót. Thứ ba, tồn tại nguy cơ Việt Nam có thể gây hại cho các ngành công nghiệp của Mỹ và người lao động Mỹ. Ngoài ra, còn có e ngại Trung Quốc sử dụng Việt Nam để lách các quy định thương mại mà Mỹ áp đặt cho Bắc Kinh.

BBC dẫn thêm quan điểm của ông Borje Ljunggren, cựu Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam, đánh giá: “Việt Nam còn xa mới là một nền kinh tế phát triển toàn diện” nhưng, do có “Vị thế địa chính trị khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn” và được Mỹ ưu ái.

 

Hoàng Anh – thoibao.de