Ngày 21/3, RFA Tiếng Việt loan tin “Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Eximbank làm rõ vụ khách hàng nợ thẻ 8,5 triệu thành 8,8 tỷ sau 11 năm”.
Theo RFA, Ngân hàng nhà nước yêu cầu đại diện Ngân hàng Eximbank làm việc với khách hàng P.H.A., trong vụ nợ thẻ Eximbank từ 8,5 triệu thành 8,8 tỷ sau 11 năm.
Eximbank trong ngày 20/3 cũng đã có thông cáo báo chí lần 2, kể từ khi vụ nợ thẻ của một khách hàng từ 8,5 triệu thành 8,8 tỷ đồng, gây bão dư luận suốt 1 tuần qua.
Vẫn theo RFA, đại diện Eximbank cho biết trong thông cáo, đã gặp khách hàng P.H.A và cùng khách hàng trao đổi, thống nhất phối hợp giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi hợp lý hợp tình cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, ngày 14/3, VietNamNet đã có một phóng sự về câu chuyện này. Theo đó, anh P.H.A khẳng định, anh chưa từng vay thẻ tín dụng tại Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh, và không chấp nhận việc trả tổng số tiền gồm cả lãi lên tới 8,8 tỷ đồng.
Sự việc bắt đầu từ năm 2012, khi anh P.H.A mở một thẻ tín dụng tại Eximbank Quảng Ninh, đã ký hợp đồng nhưng chưa được nhận thẻ. Đến năm 2016, anh có nhu cầu vay vốn thì được báo là có nợ xấu tại Eximbank. Khi anh yêu cầu Eximbank cho xem hồ sơ, thì bất ngờ thấy khoản nợ hơn 9 triệu và 2 lần trả nợ, đồng thời chữ ký trong sao kê không giống chữ ký trong hồ sơ mở thẻ. Từ đó đến nay, Eximbank nhiều lần yêu cầu anh thanh toán khoản nợ này, nhưng lại không cho anh biết cách thức tính lãi.
Cuối tháng 10/2023, Eximbank yêu cầu anh P.H.A thanh toán cả gốc lẫn lãi số tiền 8,8 tỷ đồng, nếu không sẽ khởi kiện. Đến ngày 13/3, các trang mạng xã hội lan truyền công văn nhắc nợ này của Eximbank và đã làm nhiều người kinh ngạc vì tốc độ “lãi mẹ đẻ lãi con”.
Cùng ngày 21/3, RFA cho hay, Eximbank đã có thông báo đến hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch Eximbank, về việc không ghi nợ phí SMS banking, phí quản lý tài khoản với những tài khoản thanh toán của khách hàng lâu không sử dụng, không phát sinh giao dịch và có số dư về 0 đồng.
RFA cho biết thêm, trong văn bản được gửi đến Eximbank, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngay sau khi khách hàng P.H.A. chia sẻ câu chuyện món nợ từ 8,5 triệu lên thành hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm, đã có hàng trăm tin, bài báo với mức độ lan truyền cao, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu Eximbank phải bố trí lãnh đạo trực tiếp trả lời hoặc thông tin với các cơ quan báo chí và dư luận xã hội, về trách nhiệm, quyền hạn và phương hướng xử lý vụ việc, với tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến góp ý của người dân.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu lãnh đạo Eximbank phải khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng, báo cáo Thống đốc kết quả xử lý vụ việc trước ngày 21/3.
Sau khi vụ việc này lan truyền trên mạng xã hội, ngày 19/3, báo Tuổi Trẻ cho hay, nhiều người dừng sử dụng thẻ ngân hàng đã lâu bất ngờ phát hiện mình mắc nợ ngân hàng tiền triệu, do ngân hàng âm thầm thu phí, ghi nợ, đồng thời cộng dồn các loại phí duy trì, phí thường niên… Nhiều ý kiến cho rằng, chủ thẻ không sử dụng dịch vụ mà vẫn thu phí là không hợp lý.
Theo Tuổi Trẻ, có ngân hàng chủ động rà soát khách hàng không giao dịch trong một thời gian nhất định, để hủy thẻ, khóa tài khoản. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng làm như vậy.
Tuổi Trẻ dẫn lời một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước ở Sài Gòn cho rằng, các ngân hàng thương mại cần đặc biệt quan tâm và phải làm thường xuyên về dịch vụ thẻ, “phải xem đây là nhiệm vụ của chính mỗi ngân hàng”(!?)
Ủa!!! Sao kỳ vậy, đây chính là công việc của ngân hàng mà, sao lại “xem như”? Tư duy của lãnh đạo Việt Nam thật không hiểu nổi.
Một số người còn nghi ngờ rằng, việc âm thầm thu phí của các ngân hàng, chính là “chiêu thức” tận thu, bởi với số tiền vài triệu, thì nhiều người tặc lưỡi đóng cho xong, khỏi rắc rối phiền hà.
Chuyện lạ ở Việt Nam: Nợ thẻ 8,5 triệu thành 8,8 tỷ sau 11 năm
Hoàng Anh – thoibao.de