Ngay sau khi cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5/11, trên 400 mã cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán ở Hà Nội, và Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng loạt tăng giá.
Trong khi đó, tờ Reuters cũng đưa tin, Việt Nam sẽ nằm trong số điểm đến, khi hãng công nghệ SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk, mới đây đã yêu cầu các nhà cung cấp Đài Loan, chuyển hoạt động sản xuất một số bộ phận trong chuỗi cung ứng ra khỏi nước này.
Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian SpaceX là một công ty tư nhân Mỹ của tỷ phú Mỹ Elon Musk, chuyên sản xuất tên lửa đẩy và tàu vũ trụ hàng đầu của thế giới.
Câu hỏi được đặt ra là vì sao các hãng công nghệ lớn của Mỹ từ trước đến nay không chấp nhận đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, phía Việt nam cần phải xem xét một cách nghiêm túc, để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu lót ổ cho “Đại bàng” SpaceX của tỷ phú Elon Musk.
Mới đây, theo công bố, hãng công nghệ Microsoft sẽ đầu tư vào dịch vụ đám mây trị giá 1,7 tỷ USD tại Indonesia, trong lúc Amazon tiết lộ kế hoạch đầu tư 9 tỷ USD tại Singapore, 5 tỷ USD vào Thái Lan và 6,2 tỷ USD vào Malaysia.
Ngày 1/10 vừa qua “gã khổng lồ” Google vừa công bố đầu tư tổng cộng 3 tỷ USD vào Malaysia và Thái Lan, để xây dựng các trung tâm dữ liệu. Đáng chú ý, quyết định vừa kể được đưa ra sau khi có các thông tin khẳng định, Google cân nhắc đầu tư vào Việt Nam trong tháng 8/2024. Nhưng cuối cùng, Google lại lựa chọn Malaysia và Thái Lan. Điều này đã khiến Việt Nam lỡ mất một cơ hội thu hút đầu tư lớn.
Theo giới chuyên gia đầu tư quốc tế, Việt Nam đã gặp bất lợi khi cạnh tranh với các nước trong khu vực, bởi nhiều hạn chế về thủ tục đầu tư, cơ sở hạ tầng, cũng như thể chế chính trị… không khuyến khích các nhà đầu tư ngoại quốc.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mới đây, chia sẻ với báo chí rằng, ông đã chứng kiến không ít nhà đầu tư nước ngoài ban đầu rất háo hức đến Việt Nam, nhưng họ lại rời đi, đầu tư ở nước khác.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ở Dubai, người ta xây dựng một thành phố với 500 tòa nhà chỉ mất 5 năm. Trong khi đó, ở Việt Nam, với “rừng quy định” như hiện nay, có lẽ phải mất tới 1.500 năm mới có thể hoàn thành.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, thời gian trung bình để một doanh nghiệp hoàn thành thủ tục hành chính tại Việt Nam là 384 giờ trong một năm, cao gấp 3 lần so với Singapore và gấp 2 lần so với Malaysia. Đáng chú ý, có tới 58% doanh nghiệp FDI cho rằng, thủ tục hành chính phức tạp là rào cản lớn nhất khi đầu tư vào Việt Nam.
Đa số các nhà đầu tư ngoại quốc thường xuyên phàn nàn về những vấn đề trở ngại mà họ thường xuyên phải đối mặt, như: cơ chế xin cho, luật pháp mâu thuẫn lẫn nhau. Thậm chí có những ý kiến cho rằng, “một chiếc bánh socola có đến 13 giấy phép, vì quản không được thì cấm”.
Câu chuyện vào tháng 4/2024, CEO Apple Tim Cook đến thăm Việt Nam với nhiều hứa hẹn tốt đẹp. Nhưng ngay sau khi Tim Cook rời Việt Nam, Tập đoàn Apple đã quyết định đầu tư nhà máy của họ tại Indonesia, là một ví dụ rõ nhất.
Chỉ riêng khoản đầu tư 2 tỷ USD của Google vào Malaysia sẽ tạo ra 26.500 việc làm, đồng thời đóng góp hơn 3 tỷ USD vào GDP của Malaysia, từ năm 2030. Tương tự, việc đầu tư 1 tỷ USD vào Thái Lan, cũng sẽ tạo ra trung bình khoảng 14.000 việc làm mỗi năm từ nay đến năm 2029.
Ở 2 quốc gia vừa kể, hệ thống tam quyền phân lập, có đảng đối lập và tiếng nói người dân được coi trọng, là những yếu tố cần thiết để đảm bảo cho việc giám sát, và điều chỉnh quyền lực, nhằm đảm bảo tính công khai và minh bạch. Đây chính là điều các nhà đầu tư ngoại quốc rất mong muốn.
Trà My – Thoibao.de